Nâng cấp từ ‘người theo dõi’ thành ‘người huấn luyện’
Sự kiện Galaxy Unpacked mới đây của Samsung đem đến rất nhiều những sản phẩm thú vị, nhưng thứ mà tôi mong chờ nhất không phải là những smartphone gập Galaxy Z Series hay máy tính bảng Galaxy Tab mà là đồng hồ Galaxy Watch – cụ thể hơn là phiên bản Galaxy Watch6 Classic với sự trở lại của vòng xoay vật lý.
Sau hơn 2 tuần sử dụng, sự hào hứng ban đầu của tôi đối với chiếc smartwatch này vẫn còn nguyên hay đã ‘phai nhạt’ dần?
Thiết kế ‘sang’ với vòng xoay
Mặc dù là người thích thiết kế smartwatch đơn giản, ít chi tiết nhưng các sản phẩm Galaxy Watch với vòng xoay vật lý ở mặt ngoài vẫn luôn làm tôi thích thú. Và với Galaxy Watch6 Classic thì dường như Samsung đã hoàn thiện được yếu tố này đến mức tốt nhất. Vòng xoay của Watch6 Classic được làm mỏng và hoàn thiện kiểu lì (matte) nên cho cảm giác hài hòa với thiết kế tổng thể, chứ không quá nổi bật và gây chú ý.
Vòng xoay này không chỉ có mục đích trang trí, mà còn là 1 điểm tương tác với smartwatch với tính vật lý cao. Khi xoay, ta cảm nhận được một chút sức nặng trên đầu ngón tay chứ không ‘trơn tuột’, có những khấc rất rõ ràng, lại có cả phản hồi rung nữa – thực sự ‘đã’ hơn việc chỉ bấm trên màn hình cảm ứng rất nhiều.
Tuy vậy vòng xoay này cũng đem lại 1 chút nhược điểm về tính công thái học, khi phiên bản Classic dày tới 10.9mm tức dày hơn phiên bản thường khoảng 2mm. Độ dày này khiến Watch6 Classic ‘nhô’ lên trên cổ tay nhiều, nên những ai thường xuyên mặc áo sơ mi dài tay thì sẽ hơi khó khăn trong việc đưa đồng hồ xuống dưới tay áo, nhìn dáng của sản phẩm nói chung cũng khá to và hơi ‘cồng kềnh’.
Trở lại với các yếu tố thiết kế khác của Galaxy Watch6 Classic, điểm nhấn trong phiên bản năm nay là màn hình đã được tăng kích thước lên 1.5 inch giúp nó ‘tràn viền’ hơn, người dùng cũng có nhiều không gian để thao tác hơn phiên bản cũ. Màn hình này có độ nét tốt, độ sáng cũng luôn luôn đủ trong điều kiện trời nắng gắt, bên cạnh đó cũng sẽ có độ bền cao vì được bảo vệ bởi 1 lớp sapphire.
Thân đồng hồ được làm bằng thép không gỉ, cho cảm giác rất chắc chắn và ‘đầm’ tay. Trong thời gian đầu đeo tôi cảm thấy Watch6 Classic hơi nặng tay, nhưng sau khi đeo 1 thời gian đặc biệt là dùng khi cả tập thể dục thì cũng không thành vấn đề nữa.
Phần dây được nâng cấp để tháo bằng 1 nút bấm, thay vì dạng lẫy như thế hệ trước. Cá nhân tôi thấy cả 2 cách tháo dây đều cần phải dùng cả 2 tay và cũng cần lực, nên đây có lẽ không phải là một nâng cấp gì quá lớn.
Dây của Watch6 Classic vẫn có kiểu thiết kế cong ở phần ghép nối với đồng hồ, tạo thành kiểu dáng liền mạch hơn so với những đồng hồ khác. Kiểu thiết kế này nhìn khá đẹp, nhưng khi sử dụng cũng sẽ làm dây ‘vồng’ nhiều hơn ra khỏi cổ tay, với ai có cổ tay nhỏ thì sẽ thừa ra nhiều kể cả khi đeo chặt, nên những bạn đang có ý định mua Watch6 Series thì cũng nên đi ‘ướm’ tay trước.
Cá nhân tôi vẫn muốn Watch6 Classic có một phiên bản 40mm thay vì nhỏ nhất là 43mm như chiếc tôi đang trải nghiệm. Đồng hồ bé hơn sẽ làm dây đeo vừa vặn với tay nhiều người, cũng sẽ giảm được trọng lượng để khi đeo tập thể dục hay đeo đi ngủ tạo cảm giác thoải mái hơn. Xét về mặt kiểu dáng, độ ‘sang’ thì tôi sẵn sàng cho Watch6 Classic điểm 10, nhưng về mặt công thái học thì sẽ chỉ có thể cho 7 điểm mà thôi.
Nâng cấp từ ‘theo dõi’ thành ‘huấn luyện’
Phải nói là smartwatch hiện nay, đặc biệt là những lựa chọn cao cấp như Galaxy Watch6 Classic đã có lượng tính năng khổng lồ. Vậy nên ta sẽ cùng điểm qua tất cả tính năng, nhưng sẽ ‘đào sâu’ hơn vào những tính năng mới hoặc những thứ mà tôi sử dụng hàng ngày.
Các tính năng kế thừa từ các phiên bản trước bao gồm khả năng đo nhịp tim, điện tâm đồ ECG, đo huyết áp – một tính năng mà Samsung đi tiên phong, nhưng cần có một máy đo chuyên dụng để cân chỉnh trước khi sử dụng được; theo dõi mức độ stress, nồng độ oxy trong máy SpO2, đếm số bước chân, theo dõi lượng calo, nước trong ngày và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cho phái nữ.
Những tính năng tâm điểm của Galaxy Watch6 Classic, cũng như Watch6 Series nói chung đều là những tính năng mang tính ‘huấn luyện’ bên cạnh việc ‘theo dõi’, bao gồm Huấn luyện viên giấc ngủ và Huấn luyện chạy bộ. Tính năng huấn luyện viên giấc ngủ cho phép Watch6 Series biết được tổng thời gian ngủ, số chu kỳ ngủ, phần trăm hồi phục thể chất và thu âm cả tiếng ngáy nếu bạn gặp hiện tượng này.
Sau khi sử dụng 1 tuần thì đồng hồ sẽ đánh giá thói quen và chất lượng ngủ để gán cho người dùng 1 con thú. Một người anh của tôi sử dụng Galaxy Watch6 thường sau khi dùng 1 tuần thì được ‘cấp’ cho chim cánh cụt – một loài vật ngủ ít, ngủ không sâu và cũng dễ bị tỉnh giấc nếu có tiếng động lạ.
Loại động vật này có thể thay đổi thường xuyên, đặc biệt là nếu như bạn làm theo những lời khuyên để nâng cấp giấc ngủ từ Watch6 và ứng dụng Samsung Health. Đến khi nào bạn đạt được con sư tử – loài vật ngủ đủ 8 tiếng một ngày và không hề ‘suy suyển’ bởi môi trường xung quanh thì giấc ngủ đã đạt tiêu chuẩn rồi.
Tính năng huấn luyện viên chạy cho phép ta chọn cường độ khi chạy, từ đi bộ nhanh, độ bộ mạnh, chạy tiêu calo, tới cả chạy nhanh, chạy nước rút, sau đó Watch6 Classic sẽ đưa ra những chỉ dẫn cũng như lời động viên bằng giọng nói.
Những lời khuyên tôi nghe thấy khi chạy bao gồm “Tăng độ dài sải chân là cách để chạy nhanh hơn”, “Đặt ngón chân xuống trước gót chân khi chạm đất”, “Tăng tốc độ đạt chỉ tiêu của bài tập”, “Tránh thở quá gấp”; còn những lời động viên là “Rất ấn tượng, hãy tiếp tục”, “Bạn thật tuyệt vời, hãy cảm nhận hơi thở và nhịp đập của tim”.
Đây là một tính năng đặc biệt hữu ích với những người mới bắt đầu với bộ môn chạy. Tôi là một người chỉ chạy trong nhà với máy chạy, nên khi ra ngoài đường không có tốc độ cố định nên thường bị chạy chậm, hoặc thậm chí chạy quá sức nên hụt hơi sớm. Việc có thêm chỉ dẫn bằng giọng nói bên cạnh các chỉ số trên màn hình đồng hồ giúp tôi giữ một tốc độ ổn định hơn, kèm theo đó là cả những lời động viên để ‘cơn đau’ khi chạy cũng bớt đi phần nào.
Một tính năng không phải mới, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hay là đo cấu trúc cơ thể BIA. Tính năng này giúp tôi biết được cơ thể mình đang có bao nhiêu phần trăm cơ, mỡ – những thông số quan trọng với những người đang trong quá trình luyện tập để giảm béo như tôi, vì đôi khi ‘béo’ là do tỷ lệ mỡ nhiều chứ không hoàn toàn là vì thừa cân nặng.
Trong phòng tập tôi thường tới cũng có 1 máy đo cấu trúc cơ thể chuyên dụng, nhưng chỉ dành cho những người thuê huấn luyện viên cá nhân của phòng mới được sử dụng. Rất may là giờ tôi đã có tính năng này trên Watch6 Classic, vừa không tốn thêm tiền cho phòng tập vừa sử dụng được một cách thường xuyên hơn và bất cứ khi nào muốn.
Một số những ưu, nhược điểm về mặt tính năng khác của Galaxy Watch6 Classic mà tôi nhận thấy trong quá trình sử dụng bao gồm: có thể hiển thị được đầy đủ tất cả emoji trong tin nhắn, thậm chí cả những emoji ít dùng như hình bánh burger; ngay từ khi sử dụng đã có luôn widget để điều khiển Galaxy Buds giống smartphone – một tính năng mang tính ‘hệ sinh thái’ khá hay; có thể nhận thông báo cuộc gọi tới từ Facebook Messenger nhưng không nghe được trực tiếp, còn Zalo thì không thông báo cuộc gọi luôn – việc thông báo cuộc gọi từ ứng dụng thứ 3 vẫn còn chưa hoàn thiện.
‘Ngon’ cả về thiết kế lẫn tính năng, nhưng đây là thứ cần cải thiện
Thiết kế hiện đại, có đầy đủ tất cả tính năng để tạo thành một chiếc smartwatch cao cấp nhưng Galaxy Watch6 Classic vẫn gặp một ‘điểm lấn cấn’ để nó không hoàn hảo: thời lượng pin. Thời lượng pin trung bình được hãng công bố là 40 tiếng và giảm xuống còn 30 tiếng nếu sử dụng mặt đồng hồ luôn hiện (Always on Display), nhưng trên thực tế, thời lượng này phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng hàng ngày và thường là thấp hơn những con số công bố.
Cụ thể, tôi dùng Galaxy Watch6 Classic trong 1 ngày làm việc với màn hình luôn hiện, bật thông báo của những ứng dụng chat và lâu lâu mới xem giờ thì sau 1 ngày sử dụng máy đã trong tình trạng cần phải sạc lại. Với một ngày nghỉ, tôi sử dụng Watch6 Classic nhiều hơn vì sử dụng để đi chạy, bật GPS và xem đồng hồ nhiều hơn để biết các thông số khi tập thì pin xuống khá nhanh, sáng đầy pin nhưng giữa ngày đã phải sạc lại.
Đây là một điều đáng tiếc vì những tính năng ‘hay ho’ của Galaxy Watch6 Series như huấn luyện chạy (bật GPS và phát âm thanh liên tục) hay theo dõi giấc ngủ (hoạt động liên tục vào ban đêm) sử dụng rất nhiều năng lượng, khiến chúng phải sạc nhiều hơn. Với Watch6 Classic, tôi dường như tạo thói quen sạc smartphone và smartwatch mỗi ngày 1 lần vào cùng 1 thời điểm là buổi tối, vì khi ra đường mà Watch6 Classic chỉ còn dưới 50% chắc chắn trong ngày sẽ hết pin.
Nhược điểm này cũng được cải thiện phần nào nhờ bộ sạc 10W, có khả năng sạc nhanh trong trạng thái cạn kiệt (45% trong 30 phút) và cũng được làm kim loại nên tản nhiệt tốt hơn, giữ tốc độ sạc ổn định hơn so với bộ sạc nhựa. Nhưng tôi vẫn mong rằng trong các phiên bản tiếp theo Galaxy Watch sẽ có sự nhảy vọt về thời lượng pin. Dù sao Samsung cũng đang hướng dòng sản phẩm này là ‘bạn đồng hành’ của người dùng, và muốn ‘đồng hành’ trên quãng đường xa thì cũng phải bền bỉ, chứ không thể làm người dùng ‘thấp thỏm’ về vấn đề pin – sạc được.