Bàn phím cơ quả thực là một thú chơi đặc biệt trong thế giới công nghệ, thu hút những người chơi trung thành nhất, sẵn sàng bỏ số tiền lớn, rất nhiều thời gian tỉ mỉ lắp ghép để có được sản phẩm ưng ý với bản thân. Không dừng lại ở đó, có những người chơi thực sự ‘sống’ với niềm đam mê này và rồi để trở thành những nhà thiết kế, sản xuất linh kiện bàn phím cơ, cống hiến cho cộng động các sản phẩm ‘Made in Việt Nam’.
Trong một buổi sáng mát trời tại Hà Nội, chúng tôi ‘đột nhập’ được một cuộc gặp mặt giữa những người sản xuất linh kiện bàn phím cơ bao gồm anh Lê Minh Quang (Founder thương hiệu keycap artisan Golden Star Keycap), anh Nguyễn Hải Nam và anh Nguyễn Quang Vũ (Co-founder của thương hiệu thiết kế mạch Mechlovin Studio) và anh Bảo (Founder workshop trưng bày và lắp ráp phím Q”neatandtidy”) để tìm hiểu về câu chuyện của họ với niềm đam mê này.
Mechlovin – Chất xám người Việt bên trong bàn phím ‘chục triệu’ trên khắp Thế giới
Mặc dù là một thành phần khi được lắp đặt hoàn chỉnh thì sẽ không thấy, nhưng mạch (PCB) là một thành phần tối quan trọng trong hoạt động của một chiếc bàn phím cơ. Có lẽ nhiều người sẽ thấy bất ngờ khi có rất nhiều thương hiệu bàn phím nổi tiếng Thế giới, với các sản phẩm được mọi người săn đón đang sử dụng mạch được thiết kế và sản xuất bởi người Việt – chính là team Mechlovin.
Team Mechlovin được sáng lập bởi anh Nguyễn Hải Nam cùng anh Nguyễn Quang Vũ, đều bắt nguồn từ niềm đam mê với thú chơi bàn phím cơ của bản thân. Anh Hải Nam chia sẻ rằng dù là người thành lập một thương hiệu làm về mạch, nhưng bản thân lại không xuất thân từ một người học về điện tử:
“Anh xuất thân là một người học kinh tế, sau đó cũng có một vài năm làm về giáo dục. Bàn phím cơ với anh bắt nguồn từ sở thích cá nhân của mình thôi. Lần đầu tiên nhen nhóm về việc thiết kế và sản xuất mạch là khi anh nhờ Vũ (co-founder) giải quyết vấn đề trên một chiếc mạch hiếm trên bàn phím của mình. Lúc này anh cũng nhận ra là mình có thể làm ra 1 vài chiếc mạch đó để bán ra phục vụ cộng đồng. Mọi thứ cứ cuốn chiếu, bắt đầu từ những dự án cỡ nhỏ thì về sau team anh cũng được tiếp cận bởi các thương hiệu lớn để sản xuất cho họ”.
Một số thương hiệu bàn phím cơ ‘có tiếng’ đã hợp tác để sử dụng mạch của Mechlovin bao gồm Merisi.Works, Ori-Club, TGR (TheGreatRectangle) hay SingaKBD.
Không chỉ thiết kế mà công đoạn sản xuất mạch bàn phím của Mechlovin cũng ở Việt Nam: “Trong ngành thiết kế mạch thì đúng là có 2 kiểu, một là cả thiết kế lẫn sản xuất để đưa sản phẩm cuối cùng cho đối tác, hai là chỉ thiết kế còn khâu sản xuất sẽ chuyển qua cho nhà máy. Bên mình đi theo hướng đầu tiên, bao gồm từ thiết kế, sản xuất, lắp ráp cho tới kiểm tra chất lượng”.
Như đã đề cập, khi đã được lắp ráp lên một bộ bàn phím thì mạch là phần sẽ không nhìn thấy được. Vậy trên sử dụng thực tế, một chiếc mạch được thiết kế và sản xuất tốt liệu có lợi thế gì so với các sản phẩm rẻ tiền? Anh Quang Vũ chia sẻ thêm: “Khi mình đi học về mạch, giáo viên của nói rằng tiêu chí khi thiết kế bất cứ loại thiết bị nào là độ an toàn và tin cậy. Thiết kế và sản xuất ra một chiếc mạch, mình cần nó phải bền nhất có thể cũng như tạo sự thuận tiện cho người dùng.”
Thiết kế mạch bàn phím cơ cũng không phải là “con đường trải hoa hồng”, anh Nam và anh Vũ trong quá trình làm việc cũng đã gặp nhiều những khó khăn: “Khó khăn thì cũng đến từ nhiều phía, có những lúc team mình làm 1 mạch phải thử đi thử lại vài ba lần mới ưng ý, hay có những nhà sản xuất bàn phím khi bên mình đã làm mạch hoàn chỉnh rồi thì họ lại đổi ý, muốn thay đổi tính năng. Có những dự án thì khoảng 7 tháng là hoàn thành, nhưng cũng có các dự án khó thì bên mình cũng phải theo sát đến hơn 2 năm.”
Anh Minh Quang – Khi sản xuất keycap trở thành một bộ môn nghệ thuật
Khác với mạch là một món đồ thuần về chức năng (function), những chiếc keycap artisan lại thiên nhiều về vấn đề trang trí (form) hơn. Anh Lê Minh Quang – founder của thương hiệu keycap artisan Golden Star Keycap chia sẻ: “Keycap artisan theo anh thì xuất phát từ sở thích cá nhân hóa của những người chơi bàn phím. Vào khoảng 2015 anh cũng chỉ là người chơi mà thôi, và mua một vài keycap liên quan đến game đang chơi là Dota. Khi nhận các sản phẩm này về tới tay, thì anh cũng tự hỏi rằng mình có thể làm tốt hơn được không, và bắt đầu tìm hiểu cách làm từ đó.”
Thương hiệu Golden Star Keycap được anh Minh Quang đầu tư một cách nghiêm túc từ 2018, sau khi anh quyết định trở về Việt Nam sau một thời gian sinh sống tại nước ngoài: “Thời gian đầu mình làm keycap artisan bằng bạc và đồng, nhưng tới khoảng 2018 thì chuyển qua làm bằng nhựa (resin) giống các thương hiệu artisan khác.”
Anh Quang chia sẻ rằng thú chơi keycap artisan qua từng thời kỳ cũng đã có sự thay đổi: “Thời kỳ đầu mọi người mua keycap artisan để ‘phối’ với bộ keycap mà họ đang gõ, nhưng càng về sau thì nó trở thành một món đồ trang trí bàn, mang giá trị sưu tầm để thể hiện sở thích của từng người. Ví dụ bây giờ mình rất thích những bộ anime như kiểu One Piece chẳng hạn, thì keycap artisan liên quan đến One Piece cũng sẽ rất ‘hot’.”
Một câu hỏi chắc chắn nhiều người cũng đã thắc mắc, đó là tại sao keycap artisan lại có giá bán cao đến vậy? Các sản phẩm này ‘bèo’ thì cũng tới vài trăm nghìn, đắt thì có thể lên tới 4 – 5 triệu Đồng tức là đắt ngang cả một bộ keycap để gõ có tới cả trăm nút. Vậy nguyên nhân do mà lại có sự đắt đỏ này?
“Các sản phẩm keycap artisan đắt với anh nằm ở cả vấn đề chất xám lẫn sản xuất. Một bộ keycap để gõ có thể sản xuất hàng loạt bằng máy, còn keycap artisan hoàn toàn được làm thủ công bằng tay. Keycap artisan cũng ngày càng phức tạp, những nút ngày xưa bên anh có thể làm trong 10 ngày, nhưng giờ có những nút phải tốn tới 20 ngày, 1 tháng mới xong chỉ 1 nút đấy.”
Có một chi tiết mà Minh Quang chia sẻ về quá trình sản xuất keycap artisan của Golden Star Keycap mà tôi cảm thấy khá bất ngờ, đó là những nút có nhiều màu thì được làm bằng cách ‘chồng’ những lớp nhựa màu lên nhau, chứ không phải được tô màu lên như “tô tượng”:
“Công việc sản xuất keycap artisan bắt đầu từ việc lên ý tưởng, sau đó tạo hình thô bằng đất sét và tạo khuôn bằng silicon, phối màu sắc và cuối cùng là đổ nhựa để tạo thành phẩm. Phần đổ nhựa rất tốn thời gian vì mỗi lớp màu đều phải đem đi nén bằng nồi nén hơi, chờ khô đến 24 tiếng rồi mới có thể làm lớp tiếp theo. Hay một số mẫu còn phải chuyển màu (pha các sắc độ của 1 màu cho đẹp), nên mỗi nút có thể tốn tới 1 tháng như anh đã đề cập.”
Anh Minh Quang cũng chia sẻ mình cũng đang tiến vào bước hợp tác với các thương hiệu bàn phím nước ngoài giống với team Mechlovin để sản xuất những keycap artisan phù hợp với các bàn phím họ bán ra. Anh chia sẻ một keycap hợp tác với thương hiệu Singa cho bộ bàn phím Unikorn, như cái tên gợi ý thì lấy ý tưởng từ ngựa một sừng trong thần thoại.
Q”neatandtidy” – Linh kiện chất lượng là chưa đủ, quá trình lắp ráp cũng rất quan trọng
Như đã đề cập ở đầu bài, bàn phím cơ là một thú chơi không chỉ đòi hỏi người chơi phải có tiền để mua linh kiện cao cấp, mà còn “kỳ công” ở cả bước lắp ráp lại thành sản phẩm cuối cùng trước khi sử dụng. Công đoạn này cũng không phải dễ dàng, nên thị trường mới xuất hiện những team chỉ tập trung vào việc lắp ráp bàn phím như anh Bảo với Q”neatandtidy”.
“Một bàn phím custom được cấu tạo từ khá nhiều thành phần, từ kit (thân vỏ), mạch, switch, keycap… Nhưng cách để lựa chọn những thành phần này, rồi lắp ráp chúng ra sao thì cũng không phải ai cũng làm được tốt. Cái này có thể đi về từng chi tiết nhỏ như lựa chọn lực của lò xo để phù hợp với phong cách gõ của mỗi người, cân chỉnh phím để ra âm thanh mong muốn hay loại vật liệu cấu thành keycap, vì keycap dùng vật liệu khác nhau cũng có cảm giác gõ khác nhau. Một người đã chơi phím lâu năm hoặc làm nghề lắp ráp sẽ hiểu được rõ cấu tạo của mỗi bàn phím và từ đó tạo ra 1 sản phẩm tốt nhất.”
Một yếu tố mọi người cũng thường bỏ qua, nhưng anh Bảo chia sẻ là vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng của một bộ bàn phím đó là việc sử dụng mạch hotswap hay hàn switch cố định: “Trong thời điểm hiện nay nhiều anh em thích mạch có tính năng thay switch nhanh (hotswap), đây cũng là một điều tốt vì giúp mọi người thử nghiệm được nhiều loại switch khác nhau. Nhưng những người chơi lâu năm mình khuyên mọi người nên dùng mạch hàn, vừa bền vừa tăng chất lượng gõ lên rất nhiều – có thể lên tới 40 – 50%!”
Anh Bảo chia sẻ nguồn cảm hứng để thành lập workshop Q”neatandtidy” không chỉ cung cấp dịch vụ lắp ráp phím mà còn để nhân rộng nguồn cảm hứng về bàn phím cơ: “Giống với anh em ở đây mình trước đây cũng chỉ là người chơi thôi. Bản thân mình thì lại là một người rất kỹ tính, nên thời điểm đó đi giao lưu với mọi người thì thường không hài lòng về cách mọi người lắp phím, thường khá là sơ sài. Sau này mình quyết định mở một workshop cho riêng mình để được sống với niềm đam mê, cung cấp dịch vụ lắp ráp chuyên nghiệp. Qua những sản phẩm được lựa chọn linh kiện tốt, lắp ráp tỉ mỉ mình muốn truyền niềm đam mê, cho mọi người thấy tại sao bàn phím cơ lại có yếu tố ‘gây nghiện’ đến vậy!”
Cảm ơn đội ngũ Q”neatandtidy” đã hỗ trợ bài viết