Siêu phẩm chống ồn JBL giá 6.99 triệu, nhiều tính năng hay đến Apple, Sony cũng chưa có
Nhắc đến tai nghe chống ồn JBL, mọi người sẽ nhớ đến dòng Live Pro series với mức giá vừa phải, chất âm ổn áp, chống ồn đủ dùng và thiết kế thời trang gọn nhẹ. Năm nay, JBL còn “chơi lớn” khi mang dòng Tour series về Việt Nam, trong đó có mẫu Tour One M2 với thiết kế chụp tai cùng công nghệ chống ồn và nhiều điểm cộng ấn tượng, xứng đáng đối đầu trực diện với những siêu phẩm từ Sony, Bose hay Apple.
Thiết kế cơ bản nhưng nhẹ, gấp gọn tiện lợi
Nếu mua phiên bản màu bạc, bạn sẽ thấy ấn tượng hơn đáng kể về thiết kế của Tour One M2. Phiên bản màu đen chúng tôi có ở đây thì theo phong cách “tiềm ẩn”, tức là càng “tìm” thì càng “ẩn”, gần như không có chi tiết nào nổi bật hẳn lên ngoài logo dập chìm trên 2 ốp tai để người ta còn nhận ra đây là tai nghe hiệu JBL.
Nhìn thoáng qua, Tour One M2 không có điểm gì quá nổi bật trong thiết kế.
Điểm cộng của thiết kế Tour One M2 thực ra là độ thực tiễn vì trọng lượng cực kì nhẹ, cảm giác đeo thoải mái dù dùng lâu, ốp tai áp lực vừa phải và đệm tai êm, không quá bí bách và nóng. Tai nghe cũng có thể gấp gọn lại và đi kèm 1 chiếc case cứng bảo vệ toàn diện. Điểm trừ nhỏ tôi thấy là 2 bên tai nghe khi đặt vào case này lại phải đổi ngược vị trí cho nhau, khi tháo ra dùng hoặc muốn cất phải nhớ đổi tay không thì sẽ bị loạn kênh trái phải.
Chống ồn đạt top đầu, nhiều chế độ xuyên âm
JBL trang bị cho Tour One M2 đến 3 micro chống ồn mỗi bên tai, trong đó có 2 mic hướng ra ngoài và 1 mic nằm ở bên trong. Tai nghe có thể chặn rất tốt các tiếng ồn trầm như xe cộ, quạt gió, điều hòa… mà 1 phần cũng là nhờ lớp đệm tai dày dặn.
Nếu ngồi trong quán cafe ồn ào, bạn có thể vẫn nghe thấy 1 chút tiếng mọi người nói chuyện xung quanh nếu như bật nhạc âm lượng nhỏ. Nói đây là điểm yếu của Tour One M2 cũng không phải, chỉ là nó chưa được tốt hoàn toàn như các đối thủ cùng tầm giá như WH-1000XM5 từ Sony chẳng hạn. Tính ra, ở phân khúc 7 triệu thì JBL Tour One M2 vẫn xứng đáng nằm top chống ồn tốt nhất.
Cái hay của JBL là rất thích cá nhân hóa các chế độ này. Hãng vừa cho người dùng bật chế độ khử ồn thông minh, tự động phân tích âm thanh xung quanh để tăng giảm mức chống ồn tương ứng, vừa cho người dùng tự chọn mức độ chống ồn theo ý muốn. Ví dụ, khi đang ngồi quán cafe hay đi ngoài đường thì sẽ kéo max lên, nhưng nếu đang ở nhà hay trong văn phòng yên tĩnh thì giảm bớt vài nấc thôi sẽ hợp lý hơn, bớt cảm giác ù tai mà cũng kéo dài thời lượng pin.
Ngoài ra, trong ứng dụng cũng có 1 cài đặt là bù trừ độ hở của ốp tai (Leakage Compensation). Cụ thể, micro nằm bên trong ốp tai sẽ “nghe ngóng” liên tục xem phần ốp có bao kín toàn bộ tai không hay bị hở ra làm tiếng ồn lọt vào. Nếu có thì sẽ tự tăng mức độ khử ồn lên để bù lại. Nếu bạn phải đeo kính khi dùng tai nghe thì nên bật lên, còn không thì có thể tắt đi cũng được.
Các tai nghe khác thường chỉ có 1 chế độ xuyên âm duy nhất, nhưng JBL lại trang bị đến 3 chế độ xuyên âm cho các dòng tai nghe Tour mới. Cụ thể là chế độ xuyên âm thông thường, thu mọi tiếng xung quanh và phát lại vào tai, 2 là chế độ Talkthru, chỉ tập trung vào dải âm trung và cao để làm rõ giọng nói của mọi người xung quanh và 3 là chế độ Tăng cường Âm thanh Cá nhân (Personal Sound Amplifier), tức là tăng âm lượng của mọi thứ xung quanh lên cao hơn mức bình thường để bạn nghe rõ hơn, đồng thời còn cho chỉnh âm lượng 2 kênh trái phải. Nói dễ hiểu thì chế độ này cơ bản giống như máy trợ thính vậy, nhưng là cho người bình thường chứ không phải người điếc dùng.
Bên cạnh các chế độ xuyên âm này là Smart Talk – tự động giảm âm lượng nhạc khi micro bắt được tiếng nói của người dùng và bật chế độ Talkthru lên để trò chuyện với người xung quanh dễ dàng hơn. Trong ứng dụng điều khiển, bạn có thể chọn thời gian mà tai nghe sẽ phát nhạc trở lại sau khi ngừng nói chuyện.
Chất âm sôi động, không bất ngờ vì là sản phẩm JBL
Bạn kì vọng gì vào 1 mẫu tai nghe “chuẩn mực” JBL thì Tour One M2 đáp ứng được đúng điều đó: Chất âm vô cùng sôi động, bass mạnh mẽ, treble leng keng cực kì vui tai. Đi kèm với đó cũng là dải trung có phần bị “chèn ép”, nghe giọng ca sĩ không được thoáng đãng lắm mà khá mỏng, như bị đẩy ra xa, cộng thêm 1 chút sibilance nhẹ, chưa đủ làm người ta thấy chói tai nhưng cũng đáng phải nhắc.
Nói vậy nhưng thực ra đây vẫn hoàn toàn là sở thích chủ quan, và tôi khá chắc chắn với chất âm này, JBL có thể làm hài lòng ít nhất 70 – 80% lượng người dùng trẻ – target users mà hãng hướng đến, những người thích nghe nhạc hiện đại, sôi động và “giật giật” của thời đại Tik Tok.
Nếu thấy chưa ưng ý chất âm, bạn chỉ cần mở app ra, tìm đến mục Equalizer và tự mình cân chỉnh lại cho vừa ý. Bình thường các hãng khác chỉ cho chỉnh khoảng 3 – 5 band nhưng với JBL, hãng để người dùng tự do kéo thả đến 10 band chi tiết hơn, kéo dài từ 32Hz đến 16kHz. Nhờ đó mà hiệu quả trước và sau khi chỉnh âm sẽ rõ ràng hơn nhiều.
4 tính năng độc lạ nhiều hãng khác nên học hỏi
Một số tính năng hỗ trợ âm thanh đặc biệt khác là Personi-Fi, về cơ bản là 1 bài kiểm tra xem tai bạn có bị nghe kém hơn ở dải âm nào đó không. Nếu có, tai nghe sẽ tự động tăng âm lượng của dải âm đó để bù lại, cho trải nghiệm âm thanh cân bằng hơn.
Chế độ Low Volume Dynamic EQ cũng khá hay, tự chỉnh lại EQ nếu mở âm lượng nhỏ mà bình thường hay làm thay đổi chất âm vì màng loa không được tối ưu ở mức âm lượng đó.
Spatial Sound cũng là tính năng hay mà JBL muốn nhấn mạnh, chia ra 3 chế độ Phim, Nhạc và Game. Trong đó, Nhạc cho mức độ tách bạch âm thanh 3D thấp nhất rồi đến Phim và Game là cao nhất. Bình thường, khả năng cao bạn sẽ không dùng đến Spatial Sound nhưng khi xem phim thì nên thử bật để thấy trải nghiệm khác biệt, đúng như cảm giác ngồi trong 1 căn phòng xem TV với loa ở 2 bên. Hơi tiếc là hiệu ứng vang vọng xử lý chưa ổn lắm, cảm giác như căn phòng ảo đó quá nhỏ, tường bằng kim loại quá phẳng khiến âm thanh có phần gắt và hơi chói tai. Dù vậy, nếu kết hợp với nguồn âm thanh đa kênh chất lượng cao từ các tựa phim bom tấn thì lại ấn tượng hơn nhiều bình thường. Nếu bạn chỉ xem phim Hàn Quốc hay phim bộ thông thường, chất lượng nguồn âm thanh kém sẵn thì không cần bật Spatial Sound làm gì cả.
Chế độ SilentNow cực kì đặc biệt, không liên quan đến nghe nhạc mà lại tắt tai nghe và dừng kết nối với điện thoại. Tai nghe lúc này chỉ bật chống ồn để bạn ngủ nghỉ trong yên tĩnh, cho phép hẹn giờ, phát chuông báo thức sau khi đã hết giờ cài đặt và quay lại các chế độ nghe nhạc thông thường. Những ai hay ngủ trưa ở công ty hay ngủ trên xe khách, máy bay… chắc chắn sẽ rất thích dùng chế độ này.
Thêm 1 điểm trừ nhẹ nữa cho JBL Tour One M2 là âm lượng hơi nhỏ, chỉ bằng khoảng 70 – 80% các sản phẩm cùng tầm. Nếu như thông thường, bạn chỉ cần bật 60% âm lượng là đủ nghe thì khi dùng Tour One M2 sẽ phải tăng lên đến 80 – 90% mới thấy vừa vặn. Ai mà lúc nào cũng thích nghe nhạc âm lượng cực lớn nên cân nhắc kĩ.
Thời lượng pin dài, sạc 1 lần nghe cả tuần
Theo quảng cáo, JBL Tour One M2 có thể dùng được 30 giờ khi bật chống ồn và 50 giờ khi tắt chống ồn. Con số này không phải cao nhất nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm không bị gián đoạn, nhất là khi kết hợp với tốc độ sạc nhanh chỉ 10 phút là có 5 giờ sử dụng.
Trải nghiệm thực tế, tôi có thể dùng tai nghe cả tuần mới phải sạc lại nếu mỗi ngày đeo khoảng 4 – 5 tiếng với mức âm lượng dưới 80% và bật chống ồn 100%. Nên nhớ, nếu bạn dùng thêm các tính năng EQ, Smart talk, Personal Sound Amplification… thì chắc chắn sẽ hao pin nhanh hơn.
Thêm lựa chọn cho phân khúc tai nghe chụp tai chống ồn dưới 7 triệu
Sự thật là Tour One M2 không hề là tai nghe hoàn hảo nhất trong phân khúc giá này, nhưng nó cũng là sản phẩm tổng hòa được nhiều khía cạnh nhất: Chất lượng âm thanh tốt – Nhiều tính năng hỗ trợ – Thời lượng pin dài – Thiết kế linh hoạt gọn nhẹ.
Chưa kể, nếu mua sớm, người dùng sẽ nhận thêm mức giảm giá hoặc quà tặng tùy nơi bán, ví dụ như loa JBL Go 3 trị giá 1 triệu đồng chẳng hạn.