Rẻ chỉ bằng 1 phần 10 Apple Vision Pro, chiếc kính thực tế ảo này có thể làm được gì?
Cuộc đua về công nghệ thực tế ảo hỗn hợp (Mixed Reality) đã đến thời kỳ tăng tốc sau khi chiếc Apple Vision Pro được ra mắt vào đầu năm nay. Chiếc kính này hội tụ những công nghệ hiện đại nhất trong thời điểm hiện nay đem tới một trải nghiệm thực sự mới mẻ, đáng để ‘Wow’ và cũng ‘hé lộ’ cho ta thấy tương lai của thực tế ảo sẽ là như thế nào.
Tuy nhiên với giá bán 3500 USD và thậm chí được các ‘thương lái’ đẩy giá lên tới 170 triệu Đồng, chiếc kính này quả thực đã ‘vượt tầm với’ đối với đại đa số người dùng. Nếu bạn muốn trải nghiệm thực tế ảo với số tiền chỉ bằng 1 phần 10 sản phẩm này, thì đã có chiếc Lenovo Legion Glasses mà chúng tôi có ở đây.
Cũng là thực tế ảo hỗn hợp, nhưng cách hoạt động ‘thô sơ’ hơn
Khác với những kính thực tế ảo truyền thống (Virtual Reality), những chiếc kính thực tế ảo tăng cường thế hệ mới sẽ giúp người dùng vừa khám phá thế giới ảo vừa nhìn thấy được thế giới thực bên ngoài. Với Apple Vision Pro, hãng sử dụng một hệ thống camera, vi xử lý tốc độ cao để ‘tái hiện’ lại thế giới bên ngoài với độ trễ thấp.
Lenovo Legion Glasses thì có cách tiếp cận đơn giản, nếu không muốn nói là ‘thô sơ’ hơn. Khi đeo kính lên, sẽ chỉ có khoảng 60 – 70% tầm nhìn bị che khuất bởi màn hình của kính, còn 30 – 40% còn lại ở dưới sẽ được làm hở ra. Ý tưởng là khi sử dụng chiếc kính này, người dùng vẫn sẽ thấy tay mình đang làm gì để tiện thao tác với smartphone, bàn phím và chuột của máy tính.
Độ ‘hiện đại’ của Legion Glasses cũng không thể bì kịp được so với Apple Vision Pro, vì nó không thể hoạt động độc lập được mà giống như một chiếc ‘màn hình di động’ mà chúng ta có thể đeo lên mặt hơn. Để sử dụng, ta sẽ kết nối kính với máy tính, máy tính bảng hoặc smartphone thông qua một dây USB-C, sau đó có thể chiếu lại (mirror) màn hình của các thiết bị này hoặc mở rộng không gian làm việc (extend).
Với kiểu thiết kế này, người dùng sẽ phải chuyển mắt qua lại giữa nội dung đang được hiển thị trong kính, và nhìn xuống tay để điều khiển chuột, phím hoặc smartphone. Một cách sử dụng tôi thấy rất hay đó là kết nối Legion Glasses với smartphone của Samsung vì có DeX Mode, kính sẽ hiển thị một giao diện gần giống với Windows, MacOS và smartphone sẽ ‘hô biến’ thành bàn di chuột và bàn phím luôn, khá tiện!
Sản phẩm này được sinh ra để hướng tới nhu cầu giải trí hơn là làm việc, vì không gian ‘thực tế ảo’ không rộng mở được như Apple Vision Pro hay những kính thực tế ảo trùm kín mắt. Và trên thực tế tôi cũng sử dụng kính với những nhu cầu giải trí bao gồm chơi game với Legion Go hoặc xem phim với smartphone.
Kính có kiểu dáng đơn giản và trọng lượng nhẹ nên đeo khá thoải mái, không bị cấn vào điểm nào trên mặt cả. Tuy vậy sau khoảng 45 phút tới 1 tiếng tôi vẫn cảm thấy mỏi mắt và cần tháo kính ra nghỉ 1 lúc, không thể đeo trong 1 thời gian dài được.
Legion Glasses cũng tích hợp luôn loa ở 2 bên gọng kính để thay thế tai nghe giống với Apple Vision Pro. Chất lượng âm thanh thực tế nằm ở mức ‘ổn’, không dày dặn và cũng không chính xác về vị trí trên không gian được như sản phẩm từ ‘Táo’. Đây cũng không phải là vấn đề gì lớn vì tôi vẫn có thể sử dụng tai nghe Bluetooth khác với chất lượng tốt hơn.
Những sự bất tiện
Không hiện đại được như sản phẩm có giá bán cao hơn 10 lần, nhưng Legion Glasses vẫn được tôi đánh giá là một ý tưởng hay. Nếu đã không có những công nghệ hiện đại để tái hiện lại thế giới thực thì… làm hở ra 1 chút để ta có thể nhìn ra bên ngoài luôn!
Nhưng cũng vì kiểu thiết kế này mà Legion Glasses có góc nhìn khá hẹp! Bạn cần phải chọn chiếc đệm mũi phù hợp với bản thân, và khi đeo kính lên mặt thì vẫn phải điều chỉnh lên xuống, qua trái phải 1 lúc để thấy được màn hình bên trong nét nhất có thể. Hãng sử dụng tấm nền micro OLED với độ phân giải Full HD, đã đủ nét để không nhìn thấy từng điểm ảnh nhưng màu sắc hơi nhạt, và cũng gặp hiện tượng mờ, nhòe ở những cạnh viền.
Nếu bạn bị cận, viễn, loạn thị thì cách sử dụng sẽ còn phức tạp hơn vì phải đi cắt mắt kính để lắp thêm vào Legion Glasses. Yếu điểm này thì cả các sản phẩm đắt tiền hơn trong đó có cả Vision Pro cũng gặp phải, công nghệ hiện nay vẫn chưa đủ hiện đại để điều chỉnh độ cận phù hợp với từng người ngay trên thiết bị.
Thực chất chiếc kính này được sản xuất để trở thành một phụ kiện cho chiếc máy chơi game cầm tay Legion Go, nhưng khi sử dụng thì chất lượng hiển thị sẽ kém hơn khá nhiều. Bên cạnh việc độ phân giải bị giảm từ 2K xuống Full HD, tần số làm tươi cũng chỉ còn 60Hz so với 144Hz của Legion Go. Đeo kính lên sẽ tạo được tư thế ngồi công thái học (thẳng lưng) hơn, nhưng tôi cũng phải tự hỏi bản thân rằng chỉ như vậy thôi đã đủ để đeo thêm chiếc kính này lên mặt hay không?
Từ màn hình di động tới kính thực tế ảo ‘xịn’
Công nghệ thế giới ảo hỗn hợp vẫn đang trong thời kỳ phát triển, nên không có một ‘tiêu chuẩn’ nào rõ ràng cả. Các sản phẩm hiện đại, có thể sử dụng độc lập và đưa người dùng ‘chìm’ vào không gian ảo như Apple Vision Pro có giá bán quá cao.
Những chiếc kính như Legion Glasses theo tôi đánh giá thì mới chỉ có thể gọi là ‘màn hình di động’ mà thôi, không thể so sánh một cách công bằng với những gì các sản phẩm đắt tiền hơn có thể làm được. Nó vẫn tạo ra được một trải nghiệm khác biệt so với những chiếc màn hình khác vì có thể đem đi được bất cứ nơi đâu, cũng như đem lại sự riêng tư vì không ai có thể thấy được bạn đang làm gì.
Một lựa chọn khác dành cho những bạn muốn trải nghiệm thực tế ảo với cách sử dụng giống với Apple Vision Pro là chiếc Meta Quest 3. Chiếc kính này có thể sử dụng độc lập với tầm nhìn rộng, không có điều khiển bằng mắt nhưng vẫn có thao tác bằng ngón tay cũng như có khả năng nhìn thế giới bên ngoài bằng camera trên mặt ngoài.