Nâng cấp nghe có vẻ nhỏ nhưng đáng giá nhất từ trước đến nay

Avatar1695649885010 16956498853131600151273 0 0 1047 1999 Crop 1695649959231651595665.jpg

Thế nhưng ngay sau sự kiện này 1 ngày, tôi đã may mắn được mời trải nghiệm thử phiên bản mới và cho rằng nó xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn thế, đặc biệt là các tính năng mới trên firmware 6A301 (chỉ dùng được khi lên bản iOS 17, tất nhiên tại thời điểm đó hệ điều hành này vẫn chưa được ra mắt).

Adaptive Audio và Conversation Awareness – tính năng tôi mong chờ bấy lâu nay

Trải qua sau 3 đời AirPods thường, Apple cho ra mắt phiên bản Pro vào năm 2019 với khả năng chống ồn chủ động (ANC). Đây được xem là một bước tiến lớn trong hệ “chơi nhạc” nhà Táo khi có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường. ‏

‏Bước sang đời Pro thứ 2, chiếc tai nghe này có sự cải tiến ở cả khả năng chống ồn lẫn âm thanh và cá nhân tôi cũng đánh giá tốt về hiệu năng mà nó mang lại. Để nói về khả năng kết nối xuyên suốt, sự tiện lợi và cảm giác dễ dùng, AirPods của Apple có thể tự tin đánh bại mọi đối thủ khác trên thị trường. Nhưng nhìn nhận công bằng, AirPods Pro 2 vẫn có một vài thứ gì đó thiếu vắng và nó làm cho trải nghiệm chưa được vẹn toàn. Thứ thiếu vắng ở đây chính là “sự thông minh”. ‏

‏Nếu như các hãng khác đã có tính năng chống ồn thích ứng tùy theo môi trường thì Apple AirPods 2 chỉ dừng ở mức Chống ồn hoàn toàn hoặc Xuyên âm. Điều này gây khó khăn nho nhỏ trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi tôi tạm thời tắt nhạc trong một lúc và khi đó khả năng chống ồn quá mạnh khiến cơ thể cảm giác bí bách khó thở, hay khi có ai đó muốn nói chuyện với tôi và tôi muốn giao tiếp trở lại thì buộc phải tháo tai nghe hoặc phải nhấn nút xuyên âm (thường thì theo thói quen tôi vẫn hay tháo tai nghe hơn).‏

photo-1695645989154

Và rồi đến hôm được trải nghiệm sớm tính năng Adaptive Audio, tôi thật sự bất ngờ khi nó làm việc hiệu quả hơn hẳn những gì mà mình mường tượng, thậm chí là có phần tốt hơn các đối thủ khác. ‏

‏Nói dễ hiểu, Adaptive Audio là tính năng giúp cân bằng giữa việc chống ồn chủ động và xuyên âm. Do đó, nếu bạn đến một môi trường ồn ào, âm thanh trong AirPods của bạn sẽ được phát to hơn và mức độ khử tiếng ồn cũng được tăng theo nhưng không triệt tiêu hoàn toàn để bạn vẫn có thể nghe được môi trường xung quanh. Đây là tính năng vô cùng quan trọng, nhất là khi bạn đang vừa đeo tai nghe vừa chạy hay đi bộ nhưng vẫn muốn có yếu tố môi trường bên ngoài “lọt vào tai” để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. ‏

‏Điểm hay của Apple là họ luôn mang lại sự tiện lợi nhất cho người dùng và không muốn người dùng phải động tay vào thao tác quá nhiều. Đó là lý do tại sao bạn thấy họ không hề có điều chỉnh EQ mà tai nghe sẽ tự động phân tích và đưa ra tinh chỉnh sao cho hợp lý. Và lần này, với Adaptive Audio cũng như vậy, không hề có các mức độ lựa chọn giữa xuyên âm và chống ồn như một vài hãng khác, mà chip H2 bên trong cùng máy học sẽ tự động phân tích và thay chúng ta làm hết nhiệm vụ. ‏

‏Bản thân tôi từng dùng qua các đời tai nghe của Sony và phải công nhận một điều rằng chất lượng âm thanh của hãng này là rất tốt, nhưng bù lại giao diện và khả năng kết nối với thiết bị nhà Táo vẫn còn gì đó rất là… trầy trật. Thi thoảng mất kết nối, hay thậm chí cả tính năng Adaptive Sound Control của họ cũng hoạt động không mấy ổn định. 

Adaptive Sound Control trên Sony sẽ tùy chỉnh theo 4 loại chuyển động chính của người đeo: ngồi, đi bộ, chạy và đi xe. Tuy nhiên trong nhiều lần sử dụng, thậm chí tôi đang ngồi yên làm việc nhưng tai nghe của hãng này vẫn hiểu nhầm và chuyển sang chế độ đang đi xe… Tính năng này phiền đến mức ảnh hưởng trải nghiệm nghe nhạc của tôi ở những lúc đáng lẽ ra cần được thư giãn, và vì thế tôi đã tắt hẳn tính năng đó, không bao giờ muốn dùng lại. ‏

photo-1695645989995

‏Những tưởng điều này sẽ lặp lại trên chiếc tai nghe nhà Táo, nhưng AirPods Pro 2 đã hoàn toàn thuyết phục được tôi. Trải nghiệm thực tế, sau hôm sự kiện Wonderlust tôi đã đeo tai nghe và đi dạo ra phố chụp ảnh. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, từ lúc đeo vào chờ thang máy ở khách sạn cho đến khi ra bên ngoài đường, âm thanh môi trường bên ngoài đều được cân bằng rất nhẹ nhàng và vừa đủ để tôi có thể thưởng thức các bài nhạc nhưng vẫn biết được xung quanh đang diễn ra những gì. ‏

Như đã nói ở trên, âm lượng hay mức độ xuyên âm được cân chỉnh rất mượt mà và vô cùng nhạy, khiến cho tôi không bị hẫng giữa lúc tai nghe “nhảy” giữa các chế độ này. Đại diện Apple cho biết khả năng máy học của AirPods Pro 2 còn được thể hiện ở chỗ phân tích được các âm thanh từ yếu tố môi trường bên ngoài và biết được đâu là cái cần được lọc ra và đâu là cái cần được đưa vào để người đeo có thể nhận thức được xung quanh. Ví dụ, các tiếng ồn khác có thể được lọc đi nhưng tiếng còi xe khi cần thiết AirPods Pro 2 sẽ đưa vào tai bạn để biết được mà phòng tránh các trường hợp nguy hiểm.‏

‏Bên cạnh đó, tôi cũng không quên bật tính năng Conversation Awareness và thật sự đây đúng là “món” mà bạn nên dùng. Dòng tai nghe AirPods nói chung có một đặc điểm là rất nhẹ nên đeo vào tai cảm giác như không có một chút gánh nặng nào, vì vậy sẽ không lạ gì khi có không ít người đeo tai nghe này cả ngày. ‏

photo-1695645990572

‏Tuy nhiên mỗi khi cần nói chuyện, một số người (trong đó có tôi) vẫn có thói quen đưa tay lên để tháo tai nghe vì ANC đã chặn hết âm bên ngoài thay vì chuyển sang chế độ Xuyên âm. Tất nhiên thói quen này đôi khi làm ngắt quãng quá trình giao tiếp với người đối diện và có lẽ Apple đã hiểu điều đó nên đưa vào tính năng Conversation Awareness – nhận biết khi nào bạn cần nói chuyện với người đối diện để tự động chuyển sang chế độ Xuyên âm trong tích tắc.‏

‏Trên đường đi dạo chụp, tôi có ghé ngang một quán cafe tại San Jose để mua nước và chỉ cần nói chữ đầu tiên với người đối diện, AirPods Pro 2 đã nhận biết được tình huống, nhanh chóng chuyển chế độ Xuyên âm để tôi có thể gọi ly Latte một cách dễ dàng. Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện trong vòng 5-7 giây, AirPods Pro 2 sẽ tự động nâng volume lên (một cách từ từ) và tôi lại tiếp tục được thưởng thức bài nhạc đang nghe. ‏

photo-1695645991186

‏Có thể nói đây là một tính năng hữu dụng, từng có trên một số sản phẩm của hãng khác nhưng so về độ chuyển volume mượt mà, xuyên âm nhanh chóng và nhạy bén trong việc “bắt” đúng tình huống thì AirPods không hề thua bất kỳ ai. ‏

‏Khả năng “học hỏi” nhờ con chip H2 của AirPods Pro 2 không chỉ dừng lại ở 2 tính năng trên mà còn ở cả việc tự động điều chỉnh âm lượng (Personalized Volume) sao cho phù hợp với môi trường xung quanh và thói quen nghe nhạc của người đeo để tránh ảnh hưởng thính lực.‏

photo-1695645991757

‏Với những tính năng trên, phải công nhận rằng Apple đang giúp chúng ta rảnh tay hơn bao giờ hết và mọi thứ đều được xử lý một cách thông minh, mượt mà. Một điểm nữa cũng đáng được quan tâm là phiên bản này sẽ hỗ trợ âm thanh Lossless với Vision Pro, hay nói cách khác là khả năng hỗ trợ trong tương lai của phiên bản này sẽ “sáng cửa” hơn so với đời trước.‏

Tạm biệt Lightning, đón chào USB-C

Loại bỏ cổng sạc Lightning là một điều cần thiết khi giờ đây hành trang của tôi đang có quá nhiều loại cáp sạc: Lightning cho iPhone/AirPods, USB-C cho MacBook, sạc cho Apple Watch và cả bộ adapter sạc pin cho máy ảnh. Khi được giới thiệu tại sự kiện Wonderlust, tôi rất mừng vì không chỉ iPhone mới mà còn AirPods Pro mới cũng được thay cổng và trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ mỗi một thứ duy nhất: Từ nay về sau đi công tác không cần phải lo kiểm tra xem có thiếu cáp hay là không.‏

photo-1695645992305

‏Bên cạnh đó, dùng cáp C to C cắm từ iPhone 15 sang AirPods Pro 2 cũng giúp hộp sạc tai nghe của tôi được nạp thêm chút pin khi có chuyện cần kíp. Tất nhiên tần suất sử dụng kiểu này không có nhiều, nhưng thà có còn hơn không. ‏

‏Cuối cùng cũng không kém phần quan trọng, AirPods Pro 2 phiên bản USB-C năm nay đã được nâng cấp thêm khả năng kháng bụi và nước chuẩn IP54, trong khi đó bản năm ngoái chỉ kháng được nước. Theo trải nghiệm cá nhân, chưa hề có một chiếc AirPods nào đời trước của tôi bị hỏng do bụi bẩn, dù rằng nó không có khả năng kháng bụi. Mang đi gym, đi chạy bộ… tôi đều đã dùng cả, nhưng chạy trail hay đi trekking thì vẫn chưa dám thử vì sợ bụi bẩn làm hỏng và có lẽ với chuẩn IP54 năm nay, tôi có thể tự tin dùng nó hơn trong mọi trường hợp rồi.‏