Huawei MatePad Pro 13.2: ‘Gã khổng lồ’ màn hình OLED siêu đẹp, nhưng không có Google!
Máy tính bảng Huawei MatePad Pro 13.2 nhận được đánh giá tích cực bởi các yếu tố ngoại hình đẹp mắt, màn hình OLED lớn và âm thanh hay, tuy nhiên ảnh hưởng lớn nhất tới khả năng mua sắm của người dùng vẫn nằm ở phần mềm.
1. Thiết kế Huawei MatePad Pro 13.2: Màn hình OLED lớn, cầm nắm chắc tay!
Toàn bộ phần thân và khung viền của Huawei MatePad Pro 13.2 inch được làm từ nhôm chắc chắn, mang lại cảm giác sang trọng và đồng thời máy chỉ nặng khoảng 580 gram, dễ dàng để cầm nắm và sử dụng. Khung máy được thiết kế vuông vắn và bo cong ở các góc, tạo cảm giác cầm nắm chắc tay mà không bị cấn.
Kích thước tổng thể của thiết bị là 196.1 x 289.1 x 5.5 mm, tương đối lớn so với nhiều mẫu máy tính bảng khác trên thị trường. Tuy nhiên, máy rất mỏng và nhẹ, mang lại trải nghiệm thoải mái cho người dùng dù kích thước lớn.
Mặt lưng của Huawei MatePad Pro 13.2 được thiết kế với chất liệu nhám, giúp hạn chế hiện tượng bám mồ hôi và dấu vân tay gây khó chịu. Điểm nhấn trên thiết kế này là cụm camera tròn lớn ở góc trái mặt lưng.
Để phù hợp với người dùng có kích thước bàn tay nhỏ, Huawei cung cấp hai phụ kiện đi kèm cho Huawei MatePad Pro 13.2: bao da kiêm bàn phím và bút cảm ứng thế hệ mới. Nhờ vào những phụ kiện này, người dùng có thể sử dụng máy như một chiếc laptop, bảng vẽ điện tử và đồng thời bảo vệ thiết bị tốt hơn.
Mặt trước của máy có màn hình tai thỏ tương tự như một số mẫu tablet khác trong cùng phân khúc, kèm theo viền mỏng tạo cảm giác thoáng đãng và rộng rãi.
Màn hình của Huawei MatePad Pro 13.2 sử dụng công nghệ OLED độ phân giải 2.8K (2.880 x 1.920 pixel) và tần số quét 144Hz. Có thể bạn sẽ lo lắng sự kết hợp giữa màn hình lớn và thiết kế nhẹ sẽ dẫn đến viền màn hình rộng hơn, ảnh hưởng đến thị giác. Trên thực tế, Huawei MatePad Pro 13.2 có tỷ lệ màn hình so với thân máy cực kỳ cao lên đến 94%. Viền của nó cực kỳ mỏng chỉ có 3,4mm, điều đó có nghĩa là màn hình hiển thị lớn hơn, mang lại trải nghiệm xem rộng hơn và đắm chìm hơn. Kết hợp tỷ lệ màn hình 3:2, nó có thể hiển thị nhiều nội dung theo chiều dọc hơn, khiến nó trở thành một trợ thủ đắc lực để đọc văn bản hoặc xử lý file Excel lại nơi làm việc.
Cuối cùng, nó sử dụng màn hình Huawei X-True TM, có nghĩa là nó có khả năng tái tạo màu sắc chính xác, độ tương phản chân thực giữa ánh sáng và bóng tối, hình ảnh mượt mà và rõ ràng cũng như bảo vệ mắt thoải mái.
2. Phụ kiện: Tiện ích nhưng cũng đắt đỏ!
Là công cụ giúp nâng cao năng suất và tính chuyên nghiệp, Huawei M-Pencil 3 và bàn phím thông minh Huawei sẽ mang đến cho chúng ta trải nghiệm sử dụng tối ưu.
Huawei M-Pencil 3 là bút cảm ứng đầu tiên của Huawei áp dụng công nghệ NearLink. Ứng dụng công nghệ này cho phép bút viết kết nối với máy tính bảng nhanh và ổn định hơn, giúp kết nối và tương tác liền mạch với tablet. Độ trễ thấp nhất của cây bút này có thể đạt 0 giây và nó mang lại trải nghiệm viết nhạy với áp lực hơn 10.000 cấp độ, mang lại phản hồi mực nhanh hơn và điều chỉnh độ dày mỏng của từng nét một cách chính xác, tái tạo đáng kể trải nghiệm viết truyền thống.
Còn bàn phím thông minh Huawei thì có tính linh hoạt rất cao và cho phép người dùng sử dụng ở nhiều dạng khác nhau: có thể gắn vào tablet để sử dụng như một chiếc laptop, hoặc tách ra sử dụng thông qua Bluetooth. Các phím có hành trình 1,5mm đảm bảo thao tác gõ phím thoải mái, phản hồi nhạy để gõ nhanh và hiệu quả hơn, mang lại trải nghiệm văn phòng đích thực. Nó cũng có trackpad tiết diện lớn với cảm biến áp suất đồng đều trên toàn bộ bề mặt, mang lại phản hồi xúc giác nhất quán cho dù bạn nhấn ở đâu.
Chỉ có điều cả bàn phím và bút đều không đi kèm với máy, ta sẽ phải mua ngoài với giá khoảng 90 USD (khoảng 2,1 triệu đồng) cho M-Pencil 3 và 150 USD (khoảng 3,5 triệu đồng) cho bàn phím, cũng sẽ là một khoản chi phí không nhỏ nhưng nó thực sự đem đến trải nghiệm sử dụng vượt trội.
3. Chất lượng âm thanh: To hơn, sống động hơn!
Âm thanh trên máy tính bảng khá là được xem trọng, bởi nó đóng góp không nhỏ vào trải nghiệm tổng thể. Và trên MatePad Pro 13.2, Huawei đã cung cấp cho chúng ta một hệ thống âm thanh tương đối chất lượng.
Hệ thống loa có cấu trúc 6 loa (4 loa trầm tùy chỉnh và 2 loa tweeter) có thể đạt âm lượng tối đa 82dB và đạt chứng nhận ‘Huawei Sound’, thông số kỹ thuật không được nêu chi tiết nhưng nó đem lại trải nghiệm thực sự tuyệt vời. Không chỉ âm lượng được tăng cường mà chất lượng âm thanh cũng được cải tiến rất nhiều so với MatePad Pro 11. Thuật toán tăng cường tần số thấp Smart Bass khuếch đại tín hiệu tần số thấp, cho phép loa tạo ra âm trầm mạnh mẽ và chi tiết hơn khi nghe nhạc.
Ngoài ra nó cũng có một số chế độ mixer cho từng trường hợp sử dụng cụ thể. Chẳng hạn như Music, sẽ giúp bạn nghe rõ giọng hát và thể hiện âm thanh nhạc cụ phong phú; Film sẽ thể hiện nổi bật lời thoại của nhân vật và âm thanh nền tăng cường để tạo sống động; tiếng kính vỡ, tiếng bước chân và tiếng nhảy được tăng cường trong Gaming.
Bên cạnh đó, thuật toán mô hình không gian có độ phân giải cao còn giúp tăng cường cảm giác về không gian và hướng âm thanh, mang lại trải nghiệm âm thanh vòm sống động hơn bất kể bạn sử dụng tai nghe hay phát âm thanh qua loa, tái tạo đầy đủ hiệu ứng âm trường một cách trung thực.
4. Hiệu suất: Chipset hơi thiếu sức mạnh, nhưng sử dụng hàng ngày trôi chảy!
MatePad Pro 13.2 được cung cấp sức mạnh bởi con chip Kirin 9000S từng xuất hiện trên chiếc smartphone Huawei Mate 60 Pro hồi đầu năm 2023. Con chip này được tạo ra trên quy trình 7nm, được đánh giá là khá kém hiệu quả song vẫn có thể cung cấp hiệu năng đủ tốt cho máy. Kết hợp RAM 12GB, trải nghiệm sẽ mượt mà và không có độ trễ khi chuyển đổi giữa các ứng dụng hay cuộn màn hình.
So sánh với hai đối thủ là Lenovo P12 Pro (Snapdragon 870) và Samsung Galaxy Tab S9 (Snapdragon 8 Gen 2), con chip này có hiệu suất CPU nhỉnh hơn Snapdragon 870 nhưng lại kém xa Snapdragon 8 Gen 2. Còn về hiệu suất GPU, nó thậm chí còn kém cả hai mẫu này, điều đó chứng tỏ MatePad Pro 13.2 không phải kiểu máy tính bảng cho những game thủ cuồng nhiệt.
5. Pin: Dung lượng lớn nhưng sử dụng thực tế không nhiều!
Chiếc máy tính bảng Huawei này được trang bị viên pin đôi 10.100mAh, dung lượng lớn như vậy là cần thiết đối với một chiếc tablet siêu lớn này, vì chúng thường ngốn pin nhiều hơn so với tablet cỡ nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thực tế thì tốc độ hao pin của máy thậm chí còn nhanh hơn tưởng tượng.
Trong bài test pin PcMark Work 3.0 mô phỏng một loạt tình huống sử dụng thông thường, Huawei MatePad Pro 13.2 chỉ đạt 6 giờ 45 phút. Con số này thấp hơn so với Lenovo Tab P12 Pro và Samsung Galaxy Tab S9 Ultra. Dù vậy, đó là kết quả test với tần số quét 144Hz, nếu giảm xuống 120Hz thì nó có thể kéo dài hơn một chút.
Bù lại cho việc hao pin nhanh, Huawei đã bổ sung cho máy khả năng sạc nhanh 88W, nó có thể sạc từ 0% đến 63% chỉ trong 30 phút và sạc đầy chỉ mất khoảng một giờ. Đối với một chiếc máy tính bảng ngoại cỡ mà nói thì tốc độ sạc này nhanh đáng kinh ngạc.
6. Camera: Dùng tốt hơn mong đợi!
Từ trước đến nay camera của máy tính bảng vốn không phải yếu tố được nhiều người quan tâm cho lắm, hầu hết chúng đều được trang bị mang tính chất ‘chống cháy’ và để sử dụng vào một vài mục đích cơ bản như chụp tài liệu mà thôi. Tuy nhiên với Huawei MatePad Pro 13.2 thì mọi thứ sẽ khác.
Ở phía sau, ta có hai cảm biến với camera chính 13MP f/1.8 được hỗ trợ bởi camera siêu rộng 8MP. Cảm biến chính cho độ chi tiết rất tốt, độ phơi sáng và dải động cao, các bức ảnh chụp ra có độ sáng và cân bằng hợp lý.
Quan trọng hơn là camera trước, vì đó cũng là bộ phận sinh trắc học duy nhất của máy. Ta sẽ có cảm biến 16MP với khẩu độ f/2.2 và cảm biến ToF. ToF là cảm biến sử dụng đèn LED hoặc tia laser hồng ngoại để quét khuôn mặt của bạn một cách chính xác để xác thực an toàn. Nó cũng giúp chụp ảnh selfie với độ rõ nét cao.
7. Phần mềm và ứng dụng: Mới mẻ nhưng không thân thuộc!
MatePad Pro 13.2 chạy hệ điều hành Harmony OS 4 được Huawei tùy biến trên Android gốc nhưng do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ nên ta sẽ không thấy bất cứ dịch vụ Google nào trên chiếc máy này. Về cơ bản hệ điều hành này có điều thú vị đối với những ai đang tìm kiếm sự mới mẻ, ưa thích tìm tòi công nghệ, nhưng nó cũng có thể khiến phần lớn người dùng nản lòng, chủ yếu là do các ứng dụng quen thuộc không được cài đặt sẵn.
Để cài đặt app quen thuộc, bạn có thể tìm kiếm trên App Gallery hoặc từ cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba thông qua công cụ Petal Search của Huawei. Theo hãng, người dùng có thể dễ dàng tìm app mình cần theo cách này nhưng có một thực tế là trải nghiệm với app đó sẽ không như trên thiết Android khác, dung lượng cũng lớn hơn và ngốn pin hơn, đồng thời không có quyền truy cập liền mạch vào các bản cập nhật.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật cũng là một nỗi băn khoăn lớn, bởi chính Huawei cũng không thể đảm bảo nguồn gốc của bất kỳ ứng dụng nào có nguồn gốc bên ngoài App Gallery.
Bỏ qua những bất cập ở trên thì khách quan mà nói Harmony OS 4 là hệ điều hành tương đối dễ sử dụng và có vẻ ít lỗi hơn so với các phiên bản trước. Tuy rằng nó không được phong cách hay giao diện trực quan như các máy tính bảng Android khác nhưng chí ít thì hiện tại nó đang tỏ ra hoàn hảo với MatePad Pro 13.2.
8. Huawei MatePad Pro 13.2: To, đẹp, nhưng không thuộc về số đông!
Tổng quan mà nói Huawei MatePad Pro 13.2 là chiếc máy tính bảng cỡ lớn siêu đẹp với màn hình OLED 13.2 inch ấn tượng, âm thanh cũng tuyệt vời cho giải trí và hiệu năng của nó nhìn chung là ổn định với nhu cầu sử dụng hàng ngày, phụ kiện bút và bàn phím cũng nâng cao trải nghiệm tổng thể. Mức giá 17,5 triệu đồng (chưa tính phụ kiện) cũng rất hấp dẫn đối với một chiếc tablet cao cấp như thế này.
Song, nó lại không phải kiểu máy tính bảng dành cho mọi người. Màn hình lớn tuy mang đến khả năng giải trí tốt hơn nhưng đồng thời cũng là gánh nặng khi sử dụng hàng ngày. Trên tất cả, việc thiếu sự hỗ trợ của Google là nguyên nhân to lớn khiến nhiều người dùng nói ‘không’ với Huawei MatePad Pro 13.2. Bởi hầu hết chúng ta ai cũng đã tham gia quá sâu vào hệ sinh thái Google (như quản lý tài khoản, quản lý thanh toán…), và việc bắt đầu lại từ đầu có thể sẽ mang đến những phiền toái không nhỏ.