Site icon Techsolution.vn

Chuyên gia khuyến cáo 7 cách sử dụng wifi miễn phí an toàn

Avatar1705740183568 1705740183830696438985.jpg

Hiện nay, hệ thống wifi miễn phí được trang bị tại rất nhiều địa điểm công cộng để phục vụ nhu cầu sử dụng Internet của người dùng. Wifi miễn phí cũng được nhiều người tận dụng để thực hiện các tác vụ yêu cầu kết nối mạng, trong đó có cả việc sử dụng mạng này đăng nhập tài khoản ngân hàng, thanh toán hoá đơn,…

Sử dụng wifi miễn phí tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bảo mật mà người dùng khó có thể lường trước.

Thực tế, nhiều trường hợp người dùng đã bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng khi thực hiện các giao dịch bằng hệ thống wifi miễn phí này.

Mới đây nhất là trường hợp của chị N.T.L. (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội). Nạn nhân cho biết đã sử dụng wifi miễn phí tại một quán cà phê để thanh toán đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi tài khoản báo trừ tiền giá trị món hàng thì liên tiếp sau đó có lệnh báo trừ tiền, trong khi chị L. không thực hiện mua hàng nữa.

Nạn nhân lập tức gọi điện cho ngân hàng để khóa tài khoản, sau đó tìm cách sao kê. Tuy nhiên, số tiền đã mất không thể lấy lại do phía ngân hàng đã xác nhận lệnh chuyển tiền đúng mật khẩu và khớp OTP.

7 cách sử dụng wifi miễn phí an toàn

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu – Trung tâm giám sát An toàn không gian mạng quốc gia cho biết, khi sử dụng wifi công cộng, người dùng có thể bị tấn công bởi các hacker hoặc tin tặc. Các hacker có thể thiết lập một mạng wifi giả mạo, giống như một mạng wifi công cộng thật, để thu thập thông tin cá nhân của người dùng.

Chuyên gia khuyến cáo 7 cách sử dụng wifi miễn phí an toàn- Ảnh 2.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu.

“Khi người dùng kết nối vào mạng wifi giả mạo này, hacker có thể theo dõi và ghi lại mọi hoạt động trực tuyến của người dùng, bao gồm cả thông tin đăng nhập và mật khẩu của tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội – thông qua sự điều hướng của hacker bằng trang web giả mạo, hoặc phần mềm ứng dụng độc hại mà hacker tạo ra”, ông Hiếu cho biết.

Ngoài ra, theo chuyên gia, hacker cũng có thể sử dụng các phương pháp khác như tấn công Man-in-the-Middle (MITM) để đánh cắp thông tin cá nhân. Trong tấn công MITM, hacker “đứng giữa” người dùng và điểm truy cập wifi công cộng, có thể theo dõi và thay đổi thông tin gửi và nhận giữa hai bên mà không bị phát hiện. Điều này cho phép hacker đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Chuyên gia khuyến cáo người dùng nên tuân thủ 7 biện pháp an ninh mạng:

1. Tránh sử dụng wifi công cộng để truy cập các trang web chứa thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, email cá nhân, thông tin thẻ tín dụng… Nếu cần thiết, hãy sử dụng mạng di động hoặc mạng VPN (Virtual private network) để truy cập các trang web hoặc app ứng dụng. Hoặc tốt hơn thì nên sử dụng mạng 4G hoặc 5G để được an toàn và mang tính cá nhân hơn.

2. Luôn kiểm tra xem mạng wifi mà bạn kết nối có phải là mạng wifi chính thức của địa điểm đó hay không. Nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào, hãy liên hệ với nhân viên của địa điểm để xác nhận mạng wifi chính thức.

3. Sử dụng các trang web có địa chỉ HTTPS thay vì HTTP khi truy cập các trang web nhạy cảm. Giao thức HTTPS sử dụng mã hóa để bảo vệ thông tin truyền tải giữa người dùng và trang web.

4. Cập nhật và sử dụng phần mềm diệt virus và tường lửa để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm độc hại và tấn công từ bên ngoài.

5. Không sử dụng mật khẩu quan trọng hoặc thông tin cá nhân nhạy cảm khi sử dụng wifi công cộng.

6. Tắt chức năng chia sẻ tập tin và máy in trên thiết bị khi sử dụng wifi công cộng.

7. Luôn cài đặt chế độ bảo mật 2 bước cho các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng…

Exit mobile version