Bo mạch chủ hàng đầu cho người dùng thích “em yêu khoa học”
Cứ mỗi đợt ra mắt dòng CPU Intel Core i mới, người dùng lại có thêm một hoạt động là ngóng chờ cải tiến và đổi mới sản phẩm từ các nhà sản xuất mainboard, đặc biệt trong bối cảnh Intel Core i thế hệ thứ 14 gần như không có khác biệt so với thế hệ trước đó. Và ASUS với dòng mainboard ROG MAXIMUS cũng ít khi làm người hâm mộ thất vọng ở khoản nhồi nhét công nghệ.
Trong các “anh em” nhà ROG MAXIMUS Z790, APEX là dòng sản phẩm cao cấp nhất chỉ sau mã mainboard đầu bảng EXTREME. Năm nay, ASUS còn ra mắt thêm phiên bản APEX UNCORE, bổ sung thêm 2 pha cấp nguồn cho CPU, giúp cấu hình cấp nguồn trở thành 24+0+2 so với 24+0+0 của phiên bản APEX thông thường.
Phần hộp của ROG MAXIMUS Z790 APEX ENCORE vẫn bám theo ngôn ngữ thiết kế chung hơn 10 năm nay của ASUS cho dòng mainboard này với tông đen xám cùng chữ mạ kim bạc kết hợp với logo màu đỏ. Ngoài ra là các thiết kế hoạt họa ở nền theo chủ đề ROG.
Tương tự phía sau hộp là hình sản phẩm cùng các thông số kỹ thuật.
Hộp của ROG MAXIMUS Z790 APEX ENCORE cũng được làm chắc chắn, dày dặn để đảm bảo tương xứng với mức giá “cao cấp” của sản phẩm. Tất nhiên là không thể thiếu các đoạn khẩu hiệu như “For those who dare” – dành cho những người dám nghĩ dám làm.
Thuộc phân khúc cao cấp nên phụ kiện đi kèm của Z790 APEX ENCORE khá phong phú. Ngoài mainboard và hướng dẫn sử dụng, ASUS còn tặng kèm thêm thẻ VIP ROG cùng một chiếc USB chứa file cài đặt các công cụ và drivers. Bên cạnh đó là thanh cắm mở rộng ROG DIMM.2 giúp người dùng có thể cắm thêm tới 2 ổ NVMe chuẩn PCIe 4.0, bộ quạt làm mát cho RAM. Cuối cùng là antenna WiFi với công nghệ Q-Antenna để người dùng dễ dàng lắp đặt, cắm là chắc chứ không cần phải vặn ốc gây ra xoắn dây. Kết hợp với chip WiFi 7, chiếc antenna này có thể thu phát thêm tần sóng 6GHz đồng thời có khả năng định vị và khuyến nghị người dùng về góc đặt antenna để thu sóng tối ưu nhất.
Vốn là dòng mainboard được phát triển hướng tới đối tượng người chơi ép xung hạng nặng, việc bổ sung 2 pha cấp nguồn cho các thành phần UnCore (không thuộc lõi của CPU) như bộ nhớ cache và ring bus (vòng kết nối dữ liệu nội bộ giữa các nhân của lõi CPU) giúp cho việc ép xung được tối đa hơn, qua đó đạt điểm thử nghiệm cũng cao hơn. Thứ gây nghẽn cổ chai về hiệu năng lúc này sẽ chỉ còn là khả năng tản nhiệt của CPU.
Mặt sau của Z790 APEX ENCORE cũng có thiết kế tương tự các sản phẩm mainboard thuộc dòng ROG MAXIMUS của ASUS. Vẫn là màu đen ngả xám là chủ đạo, kết hợp với các hình hoạt họa logo ROG hay một số các thông tin sản phẩm.
Bố cục phần trên của Z790 APEX ENCORE khá cơ bản với dàn VRM cấp điện theo cấu hình 24+0+2 kết hợp với 2 chân nguồn CPU 8-pin cùng dàn tản nhiệt nhôm được mạ sần kích thước lớn. Phần khác biệt nhất của chiếc mainboard này vẫn là bên phải khi được bổ sung các tính năng chuyên phục vụ ép xung, có thể kể đến như nút nguồn và reset, màn hình OLED báo lỗi, các đèn LED báo lỗi tương ứng với các linh kiện quan trọng được gắn trên mainboard. Bởi hướng tới việc ép xung cực khủng nên Z790 APEX ENCORE chỉ hỗ trợ 2 khe RAM DDR5 với tổng dung lượng tối đa lên tới 96GB (48GB x 2). Hai khe RAM này còn được trang bị tính năng DIMM Flex độc quyền của ASUS với khả năng tự ép xung RAM nếu điều kiện tản nhiệt cho phép.
Một trong những điểm cộng của các dòng mainboard có socket LGA1700 của ASUS là có thêm chân bắt vít mở rộng để gắn tản nhiệt của các dòng CPU socket LGA1200.
Các cổng kết nối ở phía sau của Z790 APEX ENCORE cũng thuộc hàng nhiều đến thừa thãi. Số lượng USB Type-A ở mặt sau lên tới 9, gồm 5 cổng tốc độ 10Gbps và 4 cổng tốc độ 5Gbps, trong đó có một cổng nhằm hỗ trợ tính năng cập nhật BIOS qua USB mà không cần CPU. Bên cạnh đó là các cổng Ethernet, USB-C tốc độ 20Gbps, chân kết nối antenna WiFi 7, cổng âm thanh optical và 5.1 kích thước 35mm. Bởi hướng tới đối tượng ép xung hạng nặng nên chiếc mainboard này còn được trang bị thêm cả cổng bàn phím chuột P/S2 cũng như nút Reset CMOS và flash BIOS.
Việc ép xung trên Z790 APEX ENCORE còn trở nên dễ dàng hơn nữa nhờ các nút phụ. Người dùng có thể dễ dàng chỉnh xung BLCK mà không cần vào BIOS thông qua nút BLCK + – hay theo dõi các thông số nâng cao thông qua 12 via đồng. Hoặc giả dụ người dùng có ép xung không thành công thì cũng có thể dễ dàng làm lại từ đầu thông qua nút Retry hoặc boot thẳng vào Safe Mode của hệ điều hành. Bên cạnh đó là các công tắc bật tắt các chế độ như giảm hệ số nhân của CPU về 8x để đảm bảo hệ thống ổn định; tạm dừng hệ thống để tinh chỉnh trong quá trình ép xung; bật tắt chế độ hoạt động trong điều kiện nhiệt độ quá thấp (dưới 120 độ C khi sử dụng ni tơ lỏng LN2); và chuyển đổi giữa 2 profile BIOS.
Lui xuống dưới một chút, phần cạnh phải của Z790 APEX ENCORE vẫn là nơi gây thích thú nhất trên chiếc mainboard này. Ngoài các cổng kết nối như SATA và các cổng USB cho front panel, ở khu vực này còn có thêm nút Q-Release độc quyền để dễ dàng mở chốt khe cắm PCIe 5.0 chỉ bằng một nút bấm khi thay thế card đồ họa. Phía dưới vẫn là cách thiết kế quen thuộc với logo ROG to được khắc trên tấm tản nhiệt chipset.
Tương tự như hầu hết mainboard ITX trên thị trường, Z790 APEX ENCORE còn có thêm 1 khe PCIe 5.0 x16 phụ ở phía dưới cùng 2 khe PCIe 4.0 x4. Bên cạnh đó là 3 khe cắm M.2 với 1 khe PCIe 5.0 x4 và 2 khe PCIe 4.0 x4, đều được tản nhiệt bởi miếng nhôm cỡ lớn gắn ở phía trên.
Chip âm thanh của SupremeFX tiếp tục được sử dụng trên các bo mạch chủ cao cấp của dòng ROG (bao gồm MAXIMUS cho Intel và Crosshair cho AMD). Các mainboard cao cấp này đều được tách phần mạch âm thanh ra một mảng riêng với các linh kiện còn lại, đánh dấu bằng đường kẻ chỉ màu vàng giúp tránh bị nhiễu hoặc tiếng sôi khi sử dụng loa hoặc tai nghe có trở kháng thấp.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dùng ép xung thủ công, hướng tới mức xung nhịp và điểm số thử nghiệm hàng khủng thì ASUS cũng trang bị thêm các tính năng hỗ trợ tự động ép xung bằng AI trên công cụ Armoury Crate của hãng. Nhờ đó, kể cả những người có ít hoặc thậm chí không có kinh nghiệm ép xung vẫn có thể dễ dàng tối ưu và tối đa hóa hiệu năng dàn máy của mình với chỉ một vài cú nhấp chuột. Nhờ ứng dụng AI, máy sẽ tự động thử sai các thiết lập và nội suy điều chỉnh các thông số tới mức phù hợp nhằm đạt được mục tiêu mà người dùng đặt ra, ví dụ như đẩy CPU tới giới hạn.
Ví dụ với cấu hình trong bài viết sử dụng i9-14900K, hệ thống sẽ tự tối ưu mức xung nhịp để máy hoạt động ở mức nhiệt độ cực kỳ mát mẻ, chỉ 61 độ C. Kèm với dàn VRM hàng xịn, nếu đầu tư tản nhiệt xịn, tiềm năng ép xung của các cấu hình sử dụng Z790 APEX ENCORE là vô hạn.
Để tổng kết, ROG MAXIMUS Z790 APEX ENCORE là một chiếc mainboard đáng mơ ước với bất cứ người dùng Intel thế hệ thứ 12 đến 14 bởi cỏ quá nhiều tính năng mà nếu muốn khám phá và tận dụng hết chắc phải mất cả tháng trời. Các công cụ và phụ kiện hỗ trợ đi kèm cũng giúp cho việc ép xung, vốn trước nay chỉ dành cho dân chuyên, trở thành một việc vô cùng đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Tất nhiên, đi kèm với những tính năng đầu bảng là mức giá cũng đầu bảng tương ứng, thậm chí ngang với một cấu hình máy chơi game bình dân,khiến chiếc mainboard này trở nên khó tiếp cận hơn với đại đa số người dùng.